Càng lạnh, càng dễ bị dị ứng

Nguyên nhân gây ra mề đay do lạnh rất phức tạp: một số người có cơ địa dị ứng với nhiệt độ lạnh; do di truyền: bố, mẹ mắc bệnh mề đay thì con cái dễ mắc bệnh; do nhiễm virut và một số bệnh lý khác.

Dị ứng nổi lên là do phản ứng quá mẫn giữa kháng thể có sẵn trong cơ thể khi gặp kháng nguyên lạ (dị nguyên). Khi bạn bị nhiễm lạnh sẽ kích thích cơ thể sản xuất ra nhiều histamin và các hóa chất của hệ thống miễn dịch khác vào da gây nổi mề đay, mẩn ngứa và nhiều triệu chứng dị ứng khác.

Ngứa, ban đỏ, sẩn phù do lạnh

Mề đay do lạnh được định nghĩa là phản ứng của da sau khi tiếp xúc với yếu tố lạnh, trên da sẽ xuất hiện ban đỏ, sẩn phù nổi gồ lên mặt da kèm theo ngứa tại vị trí tiếp xúc với lạnh. Bệnh nhân có thể bị sưng lưỡi, phù nề thanh quản gây khó thở nếu sử dụng nước đá lạnh. Nếu toàn bộ cơ thể tiếp xúc với thời tiết có nhiệt độ thấp thì phản ứng có thể rất nghiêm trọng, ngoài ban đỏ toàn thân kèm theo ngứa, bệnh nhân có thể xuất hiện các phản ứng toàn thân nguy hiểm khác như khó thở, suy hô hấp, sốc phản vệ và tử vong.

Trời mưa lạnh giá rét, nhiều người dễ bị dị ứng thời tiết nổi mề đay.

Trời mưa lạnh giá rét, nhiều người dễ bị dị ứng thời tiết nổi mề đay.

Do đâu khởi phát dị ứng?

Nguyên nhân thực sự của hiện tượng này chưa được biết rõ, tuy nhiên, các nghiên cứu đều cho thấy những bệnh nhân bị chứng bệnh này đều mắc các chứng nhiễm khuẩn, nhiễm virut trong thời điểm khởi phát bệnh và có các tế bào trên da rất nhạy cảm với nhiệt độ, chúng dễ dàng bị phá vỡ và giải phóng ra các chất trung gian hóa học vào máu như histamin gây ban đỏ, ngứa và đôi khi là sốc phản vệ. Bệnh nhân là trẻ em hoặc thanh thiếu niên. Nhóm tuổi này chiếm tỉ lệ bệnh rất thường gặp (80%). Bệnh nhân đang bị nhiễm trùng như viêm họng cấp, viêm phổi... Bệnh nhân đang mắc chứng bệnh mạn tính như viêm gan b, ung thư... Đôi khi bệnh mang tính gia đình hay do gene quy định.

Nhiều nghiên cứu đã đi tìm câu trả lời cho vấn đề này và ngày nay, các nhà khoa học đã thống nhất ngưỡng nhiệt độ phổ biến gây bệnh cho bệnh nhân là 4 độ C, tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể xuất hiện triệu chứng ở nhiệt độ cao hơn hoặc thấp hơn. Đôi khi không khí ẩm ướt và giá lạnh ở ngưỡng nhiệt độ này có thể gây bệnh.

Vì vậy, bạn cần gặp bác sĩ khi xuất hiện các triệu chứng như mô tả ở trên mà có liên quan tới nhiệt độ lạnh cho dù triệu chứng của bạn nặng hay nhẹ thì bạn cũng cần đến khám bác sĩ để được chẩn đoán xác định và chẩn đoán loại trừ, giúp bạn tránh các phản ứng toàn thân nguy hiểm (gây khó thở, sốc phản vệ và tử vong nếu tiếp xúc với nước lạnh hoặc gió lạnh).

Chẩn đoán xác định thế nào?

Chẩn đoán mề đay mạn do lạnh không khó, bác sĩ cần bệnh nhân cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin trong tiền sử gây ra các triệu chứng. Sau khi khai thác tiền sử và thăm khám lâm sàng, bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ định làm test kích thích với yếu tố lạnh, đây là loại test đơn giản, rẻ tiền, cho độ chính xác cao. Ngoài ra, bệnh nhân cần được khám và đánh giá các xét nghiệm tìm nguyên nhân như tình trạng nhiễm khuẩn, bệnh lý ác tính như ung thư nhằm tìm nguyên nhân gây bệnh. Bệnh nhân được chẩn đoán xác định khi có tiền sử nghi ngờ kèm theo test kích thích với yếu tố lạnh cho kết quả dương tính.

Lời khuyên của thầy thuốc

Hiện chưa có phương pháp điều trị khỏi mề đay mạn tính do lạnh, tuy nhiên, có thể điều trị triệu chứng bằng một số thuốc kháng histamin. Mề đay mạn tính cần điều trị theo nguyên nhân và bệnh nhân thường cho kết quả điều trị tốt. Để hạn chế dị ứng nổi mẩn và nguy hại đến sức khỏe, bệnh nhân cần lưu ý tránh tiếp xúc với yếu tố lạnh trực tiếp, cần có các dụng cụ bảo hộ và giữ ấm. Tránh không để da tiếp xúc với sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ môi trường. Tránh uống nước đá và thức ăn lạnh như kem có thể gây khó thở và có thể tử vong do phù nề thanh quản. Ngoài ra, khi thời tiết bắt đầu trở lạnh, cần mặc ấm ngay khi ở trong nhà rồi mới đi ra ngoài, tránh ở những nơi có gió lùa, tránh tiếp xúc với nước lạnh… Nếu đã bị nổi mề đay, để hạn chế nhiễm trùng da do những vết xước, bạn không nên gãi mà chỉ xoa để bớt cảm giác ngứa. Ngoài ra, bạn cũng nên vệ sinh răng miệng, cơ thể sạch sẽ hàng ngày để không bị bội nhiễm, mưng mủ.

Nổi mề đay khi trời lạnh có thể xảy ra với bất cứ ai và ở bất cứ thời điểm nào, độ tuổi nào, thế nên, nếu muốn kiểm tra cơ thể mình có bị dị ứng với thời tiết kiểu như thế này hay không, bạn chỉ cần để viên đá lên tay từ 4-5 phút, sau đó quan sát vùng da đó trong 10 phút. Nếu thấy nổi mề đay và mẩn ngứa, nghĩa là bạn thuộc nhóm người có cơ địa kiểu như thế này. Khi đó, biết cách phòng tránh và hạn chế bệnh tái phát là việc rất cần thiết.

BS. Bùi Văn Khánh